10/05/2016 | 1:43 SA | admin | Quay lại

Bỏ hoang ruộng muối

Dù vụ muối 2016 mới bắt đầu hơn 1 tháng nhưng giá muối đã rớt thê thảm và không có người mua nên nhiều diêm dân vùng muối Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) đành bỏ hoang ruộng

Nhiều diện tích sản xuất muối ở Sa Huỳnh bị bỏ hoang Ảnh: Hiển Cừ

Những năm trước, vào thời điểm này, diêm dân vùng muối Sa Huỳnh tất bật ra đồng sản xuất thì năm nay khung cảnh hoàn toàn trái ngược. Trên cánh đồng muối rộng gần 120 ha chỉ thấy bóng người lác đác.

Cả yến muối chưa bằng ký gạo

Quẩy trên vai gánh muối nặng trĩu, đôi chân trần bước trên chân ruộng nhỏ hẹp, bà Nguyễn Thị Liễu vừa thở hổn hển vừa than thở: “Gánh muối này khoảng 40 kg mà bán chỉ được 20.000 đồng, mua được hơn 2 kg gạo. Giá rẻ mạt nhưng nhiều diêm dân buộc lòng phải bán mới có tiền mua gạo ăn hằng ngày”.

Giữa trưa nắng nóng như lửa đốt, mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt, ông Võ Sẵn (58 tuổi) buồn bã ngồi nhìn ruộng muối đã kết hạt trắng tinh: “Làm ra được hạt muối, diêm dân cực nhọc trăm bề. Hằng ngày phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời từ 3 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Khi muối đã kết tinh mà gặp mưa giông thì coi như trắng tay. Ấy vậy mà giá muối lại hạ dài, tìm nơi tiêu thụ rất khó khăn”.

"Cứ đà này, chẳng bao lâu nữa, bà con diêm dân nơi đây sẽ bỏ hoang toàn bộ ruộng muối, thương hiệu “muối Sa Huỳnh” cũng chẳng còn" Ông Nguyễn Thành Út, Chủ nhiệm Hợp tác xã muối 1

Theo ông Sẵn, để sản xuất hơn 1.200 m2 ruộng muối, trong 3 ngày gia đình ông phải mất ít nhất 4 công lao động mới cào được 350 kg muối.

Với giá muối hiện nay chỉ 500 đồng/kg, tính ra một ngày công mỗi lao động thu nhập hơn 43.000 đồng. Giá muối xuống thấp, tư thương lại không mua khiến đời sống diêm dân vốn đã khốn khó giờ lại rơi vào cảnh khốn khó hơn.

Nguy cơ xóa sổ thương hiệu “muối Sa Huỳnh”

Theo ông Giả Tấn Tàu, Phó chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, sản xuất muối là nghề truyền thống, gắn bó với diêm dân Sa Huỳnh từ hàng trăm năm qua. Toàn xã có gần 120 ha muối, với 587 hộ diêm dân ở hai thôn Tân Diêm và Long Thạnh 1, sản lượng muối hằng năm từ 8.500 - 9.000 tấn. Nhằm bảo tồn, phát triển nghề sản xuất muối truyền thống, tháng 4.2011, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “muối Sa Huỳnh” cho các thành viên ở hai hợp tác xã muối.

“Mấy năm nay, giá muối lên xuống thất thường nhưng diêm dân vẫn gắn bó với nghề mà ông bà truyền lại. Tuy nhiên, năm nay dù mới đầu vụ nhưng giá muối lại quá rẻ trong khi lượng muối còn tồn từ năm trước quá nhiều, khoảng 2.000 tấn nên nhiều diêm dân nản chí, bỏ hoang ruộng muối tìm nghề khác mưu sinh”, ông Tàu nói và cho biết qua thống kê vụ muối 2016, cả xã có gần 120 hộ bỏ nghề, tổng diện tích gần 30 ha. Đây là năm diêm dân Sa Huỳnh bỏ hoang ruộng nhiều nhất từ trước tới nay.

Nhìn ruộng muối với diện tích 3.000 m2 bỏ hoang, ông Nguyễn Nhà (65 tuổi) xót xa: “Nghề muối gắn bó với tui mấy chục năm qua, giờ quay lưng với nghề truyền thống trong lòng tiếc lắm nhưng lực bất tòng tâm. Bởi lẽ, mấy đứa con thấy thu nhập quá thấp nên đi làm nghề khác, còn vợ chồng tui thì làm không nổi, nếu thuê mướn thì bán muối không đủ trả công”.

Ông Nguyễn Thành Út, Chủ nhiệm Hợp tác xã muối 1, chia sẻ rằng gần 20 năm làm cán bộ hợp tác xã muối nhưng chưa bao giờ thấy diêm dân đồng muối Sa Huỳnh rơi vào tình cảnh bi đát như hiện nay. Theo ông, cứ đà này chẳng bao lâu nữa, bà con diêm dân nơi đây sẽ bỏ hoang toàn bộ ruộng muối, thương hiệu “muối Sa Huỳnh” cũng chẳng còn.

“Ngay gia đình tui có 3.800 m2 ruộng muối, mỗi vụ muối quần quật suốt 6 tháng liền ngoài đồng mới được 20 tấn, đủ ăn là may lắm rồi. Năm nay giá muối thấp, vợ con dắt nhau vào nam làm thuê. Vì thế, tui cũng định bỏ hoang ruộng muối nhưng nghĩ đi tính lại mình là cán bộ mà làm thế thì bà con diêm dân bỏ theo”, ông Út thổ lộ.

Theo ông Phan Huy Hoàng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, UBND tỉnh đã giao Sở lập dự án quy hoạch chi tiết vùng muối Sa Huỳnh, giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của dự án là xác lập cụ thể quỹ đất sản xuất muối ổn định, phát triển làng nghề truyền thống, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho diêm dân; tổ chức chuyển đổi phương thức sản xuất muối truyền thống sang hướng công nghiệp, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu muối cho tiêu dùng và nguyên liệu cho các ngành công nghiệp.“Việc lập quy hoạch chi tiết là cơ sở pháp lý để triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất muối”, ông Hoàng nói.

Trong lúc chờ quy hoạch, muối vẫn ế trắng đồng, tồn đọng từng đống nằm dày đặc ven QL1 không có người mua. Nghèo đói cứ đeo bám dai dẳng diêm dân Sa Huỳnh.

Sản phẩm liên quan
Sản phẩm khuyến mại

Gửi link cho bạn bè